Chủ động phòng bệnh sởi, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch

I) BỆNH SỞI LÀ GÌ ?

Bệnh sởi: Những điều cần biết

  • Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, có khả năng bùng phát thành dịch lớn do khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp. Trung bình 1 người mắc sởi có khả năng lây cho 12-18 người khoẻ mạnh, hoặc người chưa tiêm vắc xin. Sau đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức y tế khuyến cáo bệnh sởi có nguy cơ bùng phát trở lại, đặc biệt là nhóm yếu thế như trẻ em và trẻ nhỏ.

  • Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Nhiều người nghĩ rằng, sởi chỉ gây ra các vấn đề cho sức khỏe ít nghiêm trọng như phát ban hoặc sốt nhẹ, nhưng thực tế sởi có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

II) BỆNH SỞI NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO ?

Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng do bệnh gây ra. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là khả năng bị những biến chứng nặng nề của bệnh.

  • Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản-phổi.

  • Biến chứng thần kinh: Viêm màng não, viêm não vô cùng nguy hiểm với khả năng dẫn đến tử vong và di chứng cao. Viêm não cấp do sởi xảy ra với tỷ lệ 0,05-0,1% trên tổng số ca bệnh, tỷ lệ tử vong là 10-40%. Viêm não xơ hóa bán cấp (SSPE hay viêm não chậm) là biến chứng nghiêm trọng hiếm gặp xuất hiện nhiều năm sau sởi. Trong lịch sử, SSPE xuất hiện với tỷ lệ 7-300 trường hợp trên 1 triệu ca bệnh sởi. Nguy cơ xuất hiện SSPE cao nhất ở người từng mắc sởi dưới 2 tuổi và thường khởi phát thường trước năm 20 tuổi. SSPR gây thoái triển thần kinh, rung giật, động kinh và tử vong.

  • Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, viêm ruột và Noma (Cam tẩu mã) – một biến chứng hiếm gặp, do bội nhiễm xoắn khuẩn Vincent, biểu hiện bằng việc viêm họng, miệng hoại tử lan rộng, có khả năng làm thủng thành trên miệng, mũi, xương gò má, môi, mắt, sau đó lan lên não và tử vong. Noma có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

  • Biến chứng tai-mũi-họng: Viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai-viêm tai xương chũm

Ngoài ra, sởi còn gây suy giảm miễn dịch, khiến người bệnh dễ bội nhiễm các loại vi khuẩn khác như lao, ho gà, thủy đậu… Ở phụ nữ mang thai mắc sởi sẽ tăng nguy cơ tử vong cho thai phụ, gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Đặc biệt, nếu mắc sởi vào cuối thai kỳ, trẻ sinh ra có nguy cơ nhiễm sởi, tỷ lệ tử vong cao do biến chứng viêm phổi, viêm gan cấp, viêm não cấp.

III) Cách phòng tránh bệnh

  • Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.

  • Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ.

  • Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

  • Uống đầy đủ nước mỗi ngày.

  • Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.

IV) Triệu chứng của bệnh sởi

Đối với thể điển hình:

  • Giai đoạn ủ bệnh: từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày).

  • Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Từ 2-4 ngày với các biểu hiện sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

  • Giai đoạn toàn phát: kéo dài từ 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày, người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì tan biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

  • Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vẩy phấn xẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Ở thể không điển hình:

  • Biểu hiện có thể chỉ có sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.

  • Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.

Đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban để khám, điều trị phòng các biến chứng diễn biến nặng..

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *